Đa phần người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm nước khoáng và
nước tinh khiết. Nếu không có sự hiểu biết, bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là nước khoáng, đâu là nước tinh khiết.
Mặc dù có điểm chung đều là nước giải khát, vô trùng, trong suốt, nhưng trên thực tế, nước khoáng và
nước tinh khiết có sự khác nhau về thành phần khoáng chất, nguồn gốc và giá trị sử dụng. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) phần lớn các loại nước bán trên thị trường hiện nay là nước tinh khiết.
Thực chất nước tinh khiết là nước máy hoặc nước giếng khoan được lọc sạch, tiệt trùng loại bỏ tạp chất, diệt khuẩn bằng phương pháp khác nhau làm giảm các ion kim loại, triệt trùng, khử mùi. Trong khi, nước khoáng phải tuân thủ theo một quy trình sản xuất khắt khe, được khai thác và đóng chai ngay tại nguồn, điển hình như nước khoáng Lavie, nước khoáng vĩnh hảo, nước khoáng ion life,… nên giữ dược các thành phần khoáng chất quý có lợi cho sức khỏe. Ở nước ngoài giá nước khoáng thường đắt gấp đôi nước tinh khiết. Với những loại nước khoáng cao cấp, giá còn đắt gấp 3 lần. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, do thiếu phân biệt nên người tiêu dùng bị thiệt thòi, họ đang phải trả tiền mua nước tinh khiết ngang với giá nước khoáng.
Nếu để ý, người tiêu dùng cũng không khó phân biệt 2 loại nước này. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 1.1.2011, trên nhãn hàng hóa của nước khoáng thiên nhiên đóng chai bắt buộc phải có dòng chữ “Nước khoáng thiên nhiên”. Ngoài ra, phải ghi tên nguồn nước khoáng và khu vực có nguồn khoáng, ghi thành phần hóa học... Trong trường hợp sản phẩm có hàm lượng fluorid lớn hơn 1 mg/l thì phải ghi là “Có chứa fluorid”. Trường hợp sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai có hàm lượng fluorid lớn hơn 1,5 mg/l thì phải ghi là “Sản phẩm không sử dụng cho trẻ em dưới 7 tuổi”. Còn nước tinh khiết để tránh gây hiểu nhầm, không được đặt tên có chữ “nước thiên nhiên” hay “nước khoáng”... Ngoài ra, còn có một cách phân biệt khác, nước khoáng khi lắc nhẹ có hạt khí nhỏ, rót ra cốc có tăm sủi lên. Còn nước tinh khiết thì không.
Mặc dù quy định rõ, nước tinh khiết phải đáp ứng trên 40 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh... Các loại chai và bình chứa cũng đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn, nhưng với việc đầu tư những loại thiết bị rẻ tiền, đa phần nước tinh khiết hiện chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, không phải loại nước uống tinh khiết nào cũng tốt cho sức khỏe và nước càng tinh khiết càng không tốt cho sức khỏe. Vì vậy không nên lạm dụng nước tinh khiết hằng ngày. “Khi nước qua xử lý các công đoạn lọc, tẩy trùng, diệt khuẩn, đồng thời cũng loại bỏ các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm... vốn có trong thiên nhiên, nếu dùng kéo dài sẽ gây hiện tượng thiếu khoáng chất đối với cơ thể”.